Chàng trai Bình Thuận hồi sinh những “cụ” sách

Chào mừng bạn đến với HÁN NÔM ĐƯỜNG

Phone

Hotline: 0826930012

Chàng trai Bình Thuận hồi sinh những “cụ” sách

Ngày đăng: 13/01/2023 11:37 AM

    (PLO)- Bùi Tiến Phúc, chàng trai của mảnh đất nắng gió Bình Thuận, được nhiều người yêu thương gọi với cái tên “bác sĩ sách”. Anh chính là người hồi sinh những cuốn sách có tuổi đời cả trăm năm.

    Sáng 24-4, nhân dịp ra mắt đơn vị Con Mèo Nhỏ tại đường sách TP.HCM, chuyên sửa chữa, tu bổ, phục chế và đóng sách nghệ thuật, dưới hàng lá me xanh rợp mát của đường sách, nhiều bạn đọc đã ngồi nghe Bùi Tiến Phúc kể chuyện kỹ thuật phục chế sách xưa.

    Chàng trai Bình Thuận hồi sinh những “cụ” sách ảnh 1

    Bùi Tiến Phúc bên những trang tư liệu Hán Nôm cổ quý hiếm đã được anh phục chế thành công. Ảnh: NGUYỄN SƠN

    “Keo con chó không dán sách được”

    Bùi Tiến Phúc 33 tuổi, quê huyện Tánh Linh, Bình Thuận. Nếu bác sĩ chữa bệnh cứu người phải học gần 10 năm để bắt đầu hành nghề và dành cả quãng đời còn lại để học hỏi, tu dưỡng thì nghề phục chế sách của Phúc cũng gian nan chẳng kém.

    Anh bắt đầu học nghề này từ 10 năm trước với đủ loại tài liệu cổ xưa như tranh ảnh, gia phả, thư tịch, sắc phong… Và đến giờ, anh vẫn đang tự mày mò, học hỏi.

    “Tôi gặp nhiều trường hợp, khi sách bị rách, họ dùng băng keo trong dán lại. Có bức sắc phong (thời nhà Nguyễn, khoảng gần 200 năm - PV) băng keo chi chít bề mặt. Việc bồi lại tấm sắc phong không mất nhiều thời gian nhưng gỡ băng keo đó rất vất vả. Sợ nhất hàng qua tay, phục chế không đúng cách, kiểu dùng keo con chó, keo 502 để dán” - Phúc kể.Anh bắt đầu học nghề phục hồi sách từ 10 năm trước và đến giờ, anh vẫn đang tự mày mò, học hỏi.

    Không ít “cụ sách” đến tay “bác sĩ” Phúc trong tình trạng “hấp hối”. Chẳng hạn, có cuốn gia phả ở miền Trung khi đến tay anh thì đóng trong túi nylon, mở ra y chang mớ giấy vụn.

    “Nhiều người mang sách từ nhà đến, không biết nội dung là gì, chỉ nghe bảo đó là gia phả nên đi phục hồi. Chúng tôi dùng nước làm phẳng nó ra. Lúc giấy phẳng ra bắt đầu hé lộ nội dung. Cuốn gia phả được phục chế giúp họ hiểu rõ hơn về tổ tiên, ông bà, dòng họ của mình” - chàng trai Bình Thuận mỉm cười.

    Bùi Tiến Phúc nói rằng có hai cách để “điều trị” sách nhưng quan trọng nhất là chẩn đoán bệnh, bắt đúng bệnh, ghi chép, đối chiếu để có hướng điều trị thích hợp. “Với trường hợp giấy giòn phải dùng hóa chất với liều lượng nhất định để phục hồi. Sách rách thì điều trị vật lý, bổ vá” - Phúc cho biết.

    Đi du học sáu năm để… chữa bệnh cho sách

    Cơ duyên đưa chàng trai Bình Thuận đến với công việc này cũng rất tình cờ và đầy duyên nợ. Thời gian là SV Khoa văn học ĐH KHXH&NV TP.HCM, Phúc được tiếp cận bộ môn Hán Nôm.

    “Những chuyến đi thực tế ở các đình chùa, khu di tích, được đọc những thư tịch cổ, sắc phong, tôi rất thích thú. Mỗi khi cầm tận tay những tư liệu ấy, tôi có cảm giác xúc động đặc biệt. Nhưng nhiều giấy tờ trong đó đã bị hư hỏng nặng nề, vì nhiều lý do: thời tiết, khí hậu, không biết cách bảo quản…” - Phúc trải lòng.

    Tốt nghiệp đại học, hứng thú ấy được tiếp sức bởi những cơ duyên, đưa Phúc đến với học bổng sang Đài Loan, theo ngành học về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

    SV Việt Nam ở Đài Loan rất nhiều nhưng đa phần học ngành kinh tế, marketing… Còn những chuyên ngành sâu như Phúc theo, anh chàng cũng có chút băn khoăn là học xong, về nước có “sống” được hay không.

    “Tôi là con nhà nghèo. Du học có học bổng đấy nhưng chi phí bên đó rất tốn kém, nhất là phần mua đồ nghề. Như cái nhíp chuyên dụng có giá tới 800.000 đồng tiền Việt Nam. Chỉ có cây nhíp thôi, chưa tính những dụng cụ đắt đỏ khác.

    Rồi với những ngành học nhiều người học, các bạn sẽ học được kinh nghiệm của người đi trước, còn tôi cứ lủi thủi một mình. Nhiều lần nản chí lắm nhưng tôi tự động viên mình rằng bất kỳ ngành gì, nếu mình theo đuổi đến cùng, làm tốt nhất có thể thì sẽ thành công...” - Phúc chia sẻ.

    Chương trình thạc sĩ ở Đài Loan không dài nhưng Bùi Tiến Phúc đã nán lại sáu năm vì ở đó có những “bệnh viện sách” thực sự để Phúc thực hành, học hỏi. Cuối năm 2019, anh về nước mở “bệnh viện giấy” Hán Nôm Đường và nhanh chóng khẳng định đây là lựa chọn chính xác của đời mình.

    “Bên đó, tôi chưa thấy thuận lợi nào cả nhưng về Việt Nam thì thấy đây là nghề khá độc, gần như không có đối thủ cạnh tranh. Chỉ có tự mình cạnh tranh với bản thân, nhìn những người thầy của mình để nỗ lực” - Phúc chia sẻ.•

    Thêm một điểm hẹn để cùng tôn vinh sách

    Công việc này không chỉ phục vụ cho những người chơi sách mà còn là biểu hiện của việc tôn vinh thế giới sách, người đọc sách và tôn vinh những cuốn sách - người bạn trong gia đình mỗi chúng ta.

    Từ nay, đường sách TP.HCM có một điểm hẹn thực thụ để quý bạn đọc có thể an tâm gửi gắm những cuốn sách cần được chăm sóc. Đơn vị Con Mèo Nhỏ sẽ chuyên tập trung vào việc sửa chữa, tu bổ, phục chế và đóng sách nghệ thuật. Đây là nét mới ở đường sách TP.HCM và cũng là điều hiếm thấy ở các đường sách, phố sách trong cả nước.

    Ông LÊ HOÀNG, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam

    NGUYỄN TRÀ

    Maps
    Zalo
    Hotline